Tín hiệu tốt cho cam sành miền Tây

Mạng lưới ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank) phối hợp ra mắt dự án ‘Farm to Food Bank’, nhằm xây dựng hệ sinh thái bền vững cho cam sành miền Tây.

Ngày 10-4, Mạng lưới ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, cùng các đối tác chính thức ra mắt dự án xây dựng hệ sinh tháibền vững cho cam sành miền Tây.

Đây là dự án nằm trong chương trình "Cam xanh nghĩa tình", đánh dấu sự khởi đầu của dự án cam xanh, một sáng kiến chiến lược nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ cam tại miền Tây. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành nông sản Việt Nam.

Mục tiêu của dự án không chỉ là hỗ trợ tiêu thụ cam trong thời kỳ khó khăn, mà còn giúp nông dân làm chủ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, trong khuôn khổ chiến lược "Farm to Food Bank" với thông điệp "Từ trang trại đến ngân hàng thực phẩm".

Trong bối cảnh hàng nghìn tấn cam sành từ các tỉnh miền Tây, đặc biệt là Vĩnh Long và Trà Vinh phải đối diện với tình trạng tồn đọng và giảm giá trị thị trường mỗi khi vào chính vụ. Dự án "Cam xanh nghĩa tình" được triển khai nhằm khôi phục niềm tin và hỗ trợ người trồng cam miền Tây vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Chương trình không chỉ "giải cứu" mùa vụ cam, mà còn hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái nông sản sản xuất, tiêu thụ minh bạch, bền vững lâu dài. Phát triển chuỗi giá trị từ canh tác, chế biến đến tiêu thụ.

Một yếu tố then chốt của chương trình là xây dựng các kênh tiêu thụ, hợp tác với hệ thống Foodshare Market, các doanh nghiệp, đối tác và nền tảng trực tuyến. Giúp nông dân tiếp cận thị trường rộng lớn. 

Đồng thời đảm bảo rằng nông sản Việt Nam đạt chuẩn chất lượng và minh bạch về nguồn gốc. Giúp thúc đẩy tiêu thụ cam sạch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Chương trình cũng đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến từ cam, bao gồm nước ép, mứt, tinh dầu, snack, và phân bón hữu cơ từ phụ phẩm cam. 

Việc phát triển chuỗi giá trị chế biến sâu này không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn mở ra cơ hội sinh kế mới cho nông dân, gia tăng giá trị cho ngành nông sản, và thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến sẵn.

Một sáng kiến nổi bật trong chương trình là tổ chức các tour du lịch nông nghiệp tại các vườn cam, qua đó tạo ra sinh kế kép cho người dân địa phương. Người trồng cam còn có cơ hội bán hàng thông qua Tuần lễ cam xanh nghĩa tình được tổ chức tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Theo bà Nguyễn Thụy Yến Phương - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, chương trình này không chỉ là giải pháp tức thời mà còn là mô hình phát triển bền vững, giúp bà con vươn lên trong dài hạn và phát triển ngành nông sản Việt Nam một cách toàn diện.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi - chủ tịch Food Bank - cho biết chương trình không chỉ muốn giúp bà con bán được cam, mà còn đồng hành cùng họ để làm chủ chuỗi giá trị nông sản, biến mỗi sản phẩm cam thành một câu chuyện đầy ý nghĩa và giá trị lâu dài. 

Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển nông sản Việt Nam theo hướng xanh, tử tế và bền vững.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Nhận ưu đãi lên tới 20%

Đăng ký đặt cam trước ngay hôm nay